Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, có lẽ mẹ bầu nào cũng cảm thấy vui mừng vì sắp được làm mẹ. Nhưng đi kèm với niềm vui là sự lo lắng vì chưa biết chăm sóc sức khỏe như thế nào để con yêu được khỏe mạnh chào đời. Vậy mẹ bầu 3 tháng đầu cần lưu ý những gì để có một thai kỳ an toàn?
1. Khám thai định kỳ
Khám thai định kỳ là việc làm rất cần thiết để nắm rõ sự phát triển của thai nhi. Đồng thời mẹ bầu sẽ được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng vắc xin để có một thai kỳ khỏe mạnh. Hơn nữa, trong quá trình mang thai cần làm một số xét nghiệm để dự đoán các bất thường nhiễm sắc thể gây dị tật thai nhi.
Theo BS CK 2 Trần Ngọc Hải, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, 3 tháng đầu bắt buộc mẹ bầu phải đi siêu âm thai ở các thời điểm sau:
- Từ tuần 6 - 10: Sau khi biết có thai, siêu âm để xác định thai đã vào tử cung chưa, thai đơn hay thai đôi và có tim thai hay không.
- Từ tuần 11 - 13: Đo khoảng sáng sau gáy để dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim…).
BS Hải nhấn mạnh “Việc siêu âm cần được chỉ định đúng vào những thời điểm quan trọng trên để giúp cho việc chẩn đoán đạt sự chính xác cao nhất. Ví dụ dấu hiệu độ mờ da gáy dày chỉ xuất hiện trong thời điểm 11 - 13 tuần, sau thời điểm này tất cả đều trở về bình thường. Siêu âm khảo sát hình thái học thai nhi nếu ở thời điểm sớm hơn thì chưa nhìn rõ các cấu trúc hoặc ở thời điểm muộn hơn thì thai kỳ lại quá lớn, nước ối giảm sẽ khó khảo sát”
Vì vậy, mẹ bầu hãy tuân thủ quy trình khám thai định kỳ và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa.
2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu cần bổ sung các chất dinh dưỡng đầy đủ để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Theo Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), phụ nữ mang thai nên bổ sung những dưỡng chất sau:
- Axit folic (vitamin B9) có nhiều trong các loại thực phẩm như gan, thịt gia cầm, ngũ cốc, rau xanh, đậu lima, đậu nành, cà rốt, cà chua, chuối, cam, chanh, bưởi…
- Sắt: Mỗi ngày, mẹ bầu cần nạp khoảng 27mg sắt bằng các loại thực phẩm hoặc viên sắt tổng hợp. Có thể bổ sung trực tiếp bằng con đường dinh dưỡng hàng ngày thông qua việc ăn nhiều thịt bò, cải xoăn, cải bó xôi, rau dền, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc…
- Canxi: Mẹ bầu 3 tháng đầu cần bổ sung khoảng 800mcg canxi mỗi ngày. Một số thực phẩm có nhiều canxi như: Tôm, cua, hải sản, sữa cùng các chế phẩm từ sữa…
- Protein: Em bé cần 70g protein trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mẹ để phát triển khỏe mạnh. Các thực phẩm giàu protein như: Thịt gia cầm, cá, ngũ cốc, trứng, đậu nành, lúa mì, lúa mạch…
- Vitamin và khoáng chất: Mẹ bầu nên ăn nhiều loại rau xanh và trái cây như cải bó xôi, rau chân vịt, súp lơ, bắp cải, cam quýt, bưởi, táo, nho… để tăng cường miễn dịch cho mẹ trong quá trình mang thai.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, không phải loại thực phẩm nào cũng tốt cho mẹ bầu.
Theo Bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung Ương) trong 3 tháng đầu mang thai mẹ bầu nên tránh ăn đồ cay nóng, những đồ kích thích như hải sản và những đồ gây dị ứng cao nên hạn chế hoàn toàn. Ngoài ra, các mẹ bầu tuyệt đối không được ăn các loại thịt, cá tái, sống, các thực phẩm hết hạn sử dụng, chưa qua tiệt trùng.
Theo quan niệm dân gian, mẹ bầu 3 tháng đầu cần kiêng ăn rau ngót, rau ngải cứu… Giải đáp vấn đề này, bác sĩ Quang cho biết: “Đối với rau ngót, rau ngải cứu thì thực tế cũng chưa thấy một nghiên cứu nào chỉ ra bên trong có những thành phần nào nguy hiểm cả. Tuy nhiên, đối với những thực phẩm nào dễ gây ra tình trạng kích ứng như ngải cứu cũng là loại rau có mùi dễ gây kích ứng mạnh thì 3 tháng đầu là cực kì nhạy cảm, có những thành phần không hề tốt cho thai nhi nên không nên ăn”
Như vậy, mẹ bầu cần chú ý về chế độ dinh dưỡng, đảm bảo ăn uống đủ chất để có một thai kỳ khỏe mạnh, đồng thời nên kiêng một số thực phẩm không tốt cho quá trình phát triển của thai nhi.
3. Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Tuyệt đối tránh các hoạt động mạnh, các môn thể thao nguy hiểm, các trò chơi cảm giác mạnh. Thay vào đó, hãy đi bộ, tập yoga cho bà bầu… để tăng cường sức khỏe. Nên chú ý đi lại cẩn thận, tránh đi vào những khu vực dễ trơn trượt, đề phòng bị ngã rất nguy hiểm. Ngoài ra, nếu mẹ bầu có thói quen sử dụng giày cao gót, nên cân nhắc về việc mua một đôi giày phù hợp và thoải mái hơn. Trong giai đoạn này, nên sắp xếp công việc để có nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế tối đa việc thức khuya, ngủ không đủ giấc.
4. Cân bằng cảm xúc
Theo bác sĩ Trần Vũ Quang, bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, khi mang thai các hormone trong cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi. Vì vậy, trong giai đoạn này, mẹ bầu thường mệt mỏi, dễ xúc động, tư tưởng không thoải mái. Hơn nữa, mẹ bầu thường ốm nghén, chán ăn hoặc ăn nhiều dẫn đến sự mất cân bằng dinh dưỡng làm cơ thể mệt mỏi, tâm lý bất ổn. Nhiều mẹ chưa có kiến thức về mang thai nên thường xuyên lo lắng và căng thẳng.
Tâm lý của mẹ bầu ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, khi mang thai, mẹ bầu hãy giữ một tinh thần lạc quan, thoải mái. Hãy chia sẻ cảm xúc vui mừng hay lo lắng với những người thân yêu nhất. Nên gặp gỡ, nói chuyện cùng bạn bè, giữ tâm trạng luôn vui vẻ. Nếu vẫn đủ sức khỏe nên đi làm để kiếm thêm thu nhập và giảm bớt thời gian rảnh rỗi, nhàm chán.
Ngoài ra, hãy dành thời gian đọc sách thai giáo để trang bị kiến thức chăm sóc và nuôi dạy con. Hãy giữ tinh thần thoải mái bằng cách làm những việc mình thích như nghe nhạc, cắm hoa, đi dạo… Nên dành thời gian để chia sẻ nhiều hơn với chồng, bởi khi đó sự chăm sóc, động viên của chồng sẽ giúp mẹ bầu vui vẻ, hạnh phúc hơn.
5. Chuẩn bị tài chính trước khi sinh con
Bên cạnh việc chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, hãy chuẩn bị tài chính đầy đủ trước khi sinh con. Một số chi phí mà vợ chồng cần chuẩn bị như: Chi phí khám thai, chi phí bồi dưỡng sức khỏe, mua đồ cho em bé… Đặc biệt, nên chú trọng vấn đề tài chính trong thời điểm vào bệnh viện sinh con. Chỉ khi vào bệnh viện, bạn mới thực sự nhận ra sự quan trọng của gói bảo hiểm cho mẹ bầu. Nhưng cũng tại thời điểm đó bạn muốn tham gia thì cũng không còn được hưởng quyền lợi thai sản. Mẹ bầu cũng nên chú ý thời gian chờ là 270 ngày để có kế hoạch tham gia bảo hiểm hợp lý đảm bảo quyền lợi thai sản.
Với những mẹ đang trong quá trình mang thai, có thể tham gia sản phẩm Chắp Cánh Tương Lai Ưu Việt. Sản phẩm này mang đến sự bảo vệ toàn diện cho cả mẹ bầu và con trẻ, đồng thời đảm bảo chặng đường học vấn cho bé yêu sau này. Khi mẹ bầu có tuổi từ 18 - 55 đang mang thai 18 tuần trở lên hoặc trẻ em từ 1 ngày tuổi đến 17 tuổi đều có thể tham gia sản phẩm này của Manulife.
Mang thai là quá trình vất vả nhưng mang lại nhiều cảm xúc với mẹ bầu. Giai đoạn 3 tháng đầu rất quan trọng, ngoài việc ăn uống khoa học, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và cân bằng cảm xúc, mẹ bầu đừng quên tìm kiếm một giải pháp tài chính để an tâm trong suốt cả thai kỳ cho đến khi chào đón thiên thần nhỏ.